Bạn có biết: Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025, cao gấp đôi so với các nước trong khu vực ASEAN (chỉ khoảng 4-4,5%)! Trong bài viết này, Phân Tích Cổ Phiếu sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề.
Tăng trưởng GDP 8% – Tham vọng hay Cần thiết ?
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố “có thể hy sinh một phần lạm phát để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao“. Điều này khiến nhiều người lo ngại về viễn cảnh giá cả tăng cao.
Nhưng tại sao Việt Nam lại quyết tâm đến vậy? Và điều này ảnh hưởng thế nào đến túi tiền của bạn?
“Hy sinh lạm phát” nghĩa là gì và tại sao điều này liên quan đến bạn?

Nhiều người có thể nghĩ: “Chuyện vĩ mô này thì liên quan gì đến tôi?” Thực tế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn mỗi ngày.
Từ giá cả thực phẩm, dịch vụ cho đến khoản tiết kiệm của bạn – tất cả đều chịu tác động. Khi Thủ tướng nói “đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh thì phải chấp nhận lạm phát cao hơn“, nghĩa là chính phủ sẽ:
- Bơm thêm tiền vào nền kinh tế
- Nới lỏng chính sách tiền tệ
- Giảm lãi suất để doanh nghiệp dễ vay vốn hơn
Vì sao Việt Nam cần Tăng Trưởng GDP cao ?
Mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào 2045
- Thu nhập bình quân đầu người hiện tại: $4.600.
- Ngưỡng nước thu nhập cao: $12.500.
- Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tăng trưởng GDP đột phá và liên tục.
Cơ hội dân số vàng sắp hết
- Đến năm 2045, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số.
- Nếu không tận dụng cơ hội này để tăng trưởng nhanh, chúng ta có thể “già trước khi giàu”.
- Các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia đã vượt xa Việt Nam về thu nhập bình quân.
Cái giá phải trải: Lạm phát gia tăng
Mục tiêu lạm phát năm 2025 đã được điều chỉnh từ dưới 4% lên 4,5-5%, và có thể còn tăng nữa. Khi chính phủ bơm tiền ra để kích thích tăng trưởng, lạm phát sẽ tăng lên bởi:
- Nhiều tiền hơn trong lưu thông → người dân chi tiêu nhiều hơn → giá cả tăng.
- Tiền Đồng mất giá so với USD → hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.
Bạn có thể dễ dàng cảm nhận điều này qua giá cả thực phẩm, dịch vụ, nhà ở tăng cao.
Bài học xương máu từ 2007-2008
Năm 2007-2008, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao (đạt 7,1%) và bơm tiền ra nền kinh tế. Kết quả:
- Lạm phát phi mã lên đến 28% vào năm 2008 (cao nhất khu vực).
- Lãi suất vay bất động sản thời điểm đó lên đến 30%.
- Khủng hoảng thanh khoản dẫn đến làn sóng phá sản.
- Nợ xấu tràn lan, bất động sản đóng băng, chứng khoán về “lòng đất”.
Lần này có gì khác ?
Chính phủ đang có cách tiếp cận thận trọng hơn:
Bất động sản: Siết chặt cho vay BĐS cao cấp, ưu tiên nhà ở xã hội
- Mục tiêu: Tránh bong bóng đầu cơ, giúp người dân có nhà ở thật.
Đầu tư công: Gói đầu tư gần 900.000 tỷ đồng
- Tập trung vào hạ tầng thiết yếu: cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, cảng biển.
- Thúc đẩy tạo việc làm, tăng thu nhập người dân.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
- Giảm lãi suất cho vay.
- Giãn thuế, phí và thúc đẩy xuất khẩu.
Những lo ngại quan trọng
Dòng tiền có thực sự chảy vào sản xuất hay lại đổ vào bất động sản? (Thị trường BĐS đang nóng dần lên)
- Đầu tư công có giải ngân đúng tiến độ và hiệu quả?
- Việc bơm tiền có thể làm tăng bội chi ngân sách, nợ công.
Làm thế nào để bảo vệ túi tiền của mình ?
- Thận trọng với đòn bẩy: Không vay nợ để đầu tư trong giai đoạn biến động
- Phân bổ tài sản: Không chỉ giữ tiền mặt vì tiền sẽ luôn mất giá trong lạm phát cao
- Đa dạng hóa: Cân nhắc các tài sản phòng thủ như vàng để bảo vệ giá trị tài sản
Tóm lại, Việt Nam đang đánh một canh bạc lớn: tăng trưởng GDP mạnh mẽ với cái giá là lạm phát cao hơn. Chiến lược này có thể giúp chúng ta đạt mục tiêu trở thành nước phát triển nhanh hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc đời sống ngắn hạn của người dân sẽ chịu áp lực từ giá cả tăng cao.
Bài viết liên quan: